Vụ cướp 3 tỷ tại ngân hàng, mua xe phân khối lớn: Xử lý thế nào với chiếc “thần sấm” Kawasaki?

Vụ cướp 3 tỷ tại ngân hàng, mua xe phân khối lớn: Xử lý thế nào với chiếc “thần sấm” Kawasaki?

Theo luật sư phân tích, trong trường hợp chủ bán biết tiền mua chiếc xe do phạm tội mà có thì sẽ khởi tố hình sự về tội Tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có, trường hợp người bán xe không biết đối tượng vừa cướp ngân hàng thì giao dịch mua bán này có thể hợp pháp.

Xử lý thế nào với chiếc “siêu xe”?Liên quan đến vụ cướp ngân hàng 3 tỷ đồng tại TP Hải Phòng, CQĐT bước đầu xác định nghi phạm Nguyễn Văn Nam (SN 1998, trú huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) sau khi gây án đã lên một cửa hàng mô tô phân khối lớn ở Hà Nội mua chiếc xe Kawasaki ZX 10R giá khoảng 700 triệu đồng. Anh ta điều khiển xe di chuyển lên TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, rồi tiếp tục lên Thái Nguyên và bị bắt. Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích, đối với tài sản do phạm tội mà có là số tiền khoảng 3 tỷ đồng thì cơ quan điều tra sẽ truy thu, thu giữ vật chứng vụ án để làm căn cứ giải quyết. Trường hợp có người biết đây là tiền do phạm pháp mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Vụ cướp 3 tỷ tại ngân hàng, mua xe phân khối lớn: Xử lý thế nào với chiếc thần sấm Kawasaki? - Ảnh 2.

Nam (ảnh trái) đã dùng số tiền cướp ngân hàng mua chiếc xe trị giá khoảng 700 triệu

Đối với chiếc xe máy phân khối lớn mà đối tượng này đã bỏ tiền ra mua thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ bên bán xe máy có biết tiền này là do phạm tội mà có hay không, nếu có thì sẽ khởi tố hình sự về tội Tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có. Trường hợp đối tượng không nói đây là số tiền do cướp ngân hàng, người bán xe cũng không biết đây là đối tượng vừa cướp ngân hàng thì giao dịch mua bán này có thể hợp pháp. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ thủ tục mua bán chiếc xe này được thực hiện như thế nào. Theo quy định của pháp luật thì chiếc xe mô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, bởi vậy việc mua bán phải có hợp đồng bằng văn bản phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục thì giao dịch này chưa hợp pháp, bên bán xe có quyền yêu cầu nhận lại chiếc xe này và nộp lại số tiền đã nhận của đối tượng gây án để trả lại cho phía người bị hại là ngân hàng. Trường hợp hành vi mua bán là trái pháp luật do người bán biết rõ đây là tài sản do phạm tội mà có thì việc mua bán này cũng sẽ bị hủy bỏ kể cả trường hợp mua bán thành công. Còn nếu mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục, việc mua bán chưa được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì việc mua bán này bị hủy bỏ, các bên trả lại tài sản cho nhau để khắc phục hậu quả.
Vụ cướp 3 tỷ tại ngân hàng, mua xe phân khối lớn: Xử lý thế nào với chiếc thần sấm Kawasaki? - Ảnh 3.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường

Còn nếu trường hợp việc mua bán đã hoàn thành, hai bên đã ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, đã đăng ký theo quy định pháp luật. Tại thời điểm mua bán bên bán không có nghĩa vụ phải biết và không thể biết được số tiền đó do phạm tội mà có thì hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật. Còn số tiền bán xe trong hợp đồng được xác định là hợp pháp thì không có quyền đòi lại. Cũng cần nhấn mạnh rằng, tiền là vật cùng loại nếu đã được đưa vào lưu thông, không còn thu giữ được, việc lưu thông thực hiện bằng các giao dịch hợp pháp thì cơ quan tố tụng không có căn cứ để thu lại số tiền đó. Nếu vật chứng của vụ án là vật đặc định, hoặc tài sản được mang trao đổi, mua bán bằng các giao dịch không hợp pháp thì người đang chiếm giữ tài sản là vật chứng của vụ án có trách nhiệm phải trả lại, giao nộp cho cơ quan tố tụng để trả lại cho người bị hại. Bởi vậy, việc mua bán chiếc xe mô tô này có hiệu lực pháp luật hay không, ý chí của các bên như thế nào là những yếu tố quan trọng để cơ quan tố tụng quyết định sẽ thu hồi số tiền hay thu giữ chiếc xe này để bán đi, hay trả lại cho cơ sở kinh doanh. Đối tượng “mang ưu phiền cho mẹ” đối diện mức án nào? Đánh giá về các tình huống pháp lý khác, luật sư Cường cho hay, hành vi của nam thanh niên này là khá ngây thơ, đối tượng không phải mang tiền về cho mẹ mà là “mang ưu phiền về cho mẹ”, mang những buồn tủi cho người thân và gia đình vào những ngày cận Tết. TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với vụ án trên cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 để tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Vụ cướp 3 tỷ tại ngân hàng, mua xe phân khối lớn: Xử lý thế nào với chiếc thần sấm Kawasaki? - Ảnh 4.
Với hành vi cướp số tiền lên tới 3 tỷ, đối tượng có thể phải đối diện với khung hình phạt rất nặng
Trường hợp có căn cứ cho thấy, đối tượng sử dụng súng thật khiến các cán bộ, nhân viên ngân hàng sợ hãi, tê liệt ý chí kháng cự dẫn đến bị chiếm đoạt số tiền 3 tỷ đồng thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. “Dù cho tên cướp này mới thực hiện hành vi phạm tội lần đầu hay là một tên cướp chuyên nghiệp thì với số tiền chiếm đoạt 3 tỷ đồng thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt thấp nhất là 18 năm tù cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân theo Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015”, vị luật sư nêu ý kiến. Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ khẩu súng mà đối tượng này sử dụng có phải là vũ khí quân dụng hay không. Trong trường hợp đây là vũ khí quân dụng hoặc có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự thêm tội Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có đối tượng nào giúp sức, xúi giục hoặc chủ mưu chỉ đạo đối tượng này thực hiện hành vi cướp tài sản hay không nếu có thì sẽ tiếp tục khởi tố bị can đối tượng có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội về tội cướp tài sản với vai trò đồng phạm. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi cướp tài sản này có được ai che giấu, giúp sức bỏ trốn hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người biết đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản nhưng đã không tố giác, có hành vi giúp sức cho đối tượng để che giấu hành vi phạm tội thì sẽ khởi tố thêm người vi phạm về tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015. “Thời điểm dịch bệnh kéo dài, đời sống kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn khiến người quẫn bách. Bởi vậy, những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, trộm cắp tài sản sẽ diễn ra nhiều hơn, đặc biệt là những dịp cuối năm đây cũng là hồi chuông cảnh báo mỗi cá nhân, tổ chức, ngân hàng cần nâng cao tinh thần phòng ngừa”, luật sư Cường khuyến cáo.
Related Posts
Leave a Reply

Your email address will not be published.Required fields are marked *